Càng gần ngày IPO của Vietcombank, những đồn đoán về giá đấu của ngân hàng này cũng xuất hiện càng nhiều. Có ý kiến cho rằng, các nhà đầu tư cá nhân sẽ đấu ở mức 130.000-150.000 đồng, song cũng có người nhận định, đây sẽ là cuộc chơi của các "ông lớn", và giá có thể lên tới hơn 200.000 đồng.
Theo ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc phòng Phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Tân Việt, để dự đoán sát giá đấu thành công của Vietcombank phải chờ đến gần thời điểm kết thúc đăng ký đấu giá. Bởi khi đó mới biết lượng nhà đầu tư có tổ chức và cá nhân đăng ký ra sao để đưa ra dự đoán.
Tuy nhiên, từ khi các thông tin liên quan tới phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) này được công bố rộng rãi, những dự đoán trái ngược nhau liên tục được tung ra. Đại diện một công ty chứng khoán nhận định, chưa có IPO nào lại thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư như của Vietcombank. Trên các trang diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư thậm chí còn tự lập một danh sách các mức giá cho nhà đầu tư dự đoán.
|
Thị trường đang nóng lòng chờ IPO của VCB
|
Khảo sát của VnExpress cho thấy, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân đều cho biết sẽ bỏ giá khoảng 130.000-150.000 đồng. Anh Vũ Mạnh Vinh, nhà đầu tư sàn ACB, cho hay: "Hiện tại tôi vẫn còn phân vân chưa biết đặt mức giá nào, song cá nhân tôi cho rằng với thương hiệu, vốn điều lệ cũng như "sức khỏe" của VCB hiện nay so với các ngân hàng quốc doanh, tôi sẽ bỏ giá khoảng 140.000 đồng".
Trong khi đó, anh Bình, nhà đầu tư sàn Bảo Việt, cũng cho biết, có nhiều người đã để dành tới 3-5 tỷ đồng để đi đấu giá đợt này. Và mức giá mà họ dự tính cũng nằm trong khoảng 13 đến 15 "chấm" như trên.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Phong, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ T&M Finance, nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia đợt đấu giá này và cuộc chơi sẽ chỉ nên dành cho các nhà đầu tư có tổ chức trong nước và nước ngoài.
Lý giải cho nhận định này, ông Phong cho hay, giả sử nhà đầu tư cá nhân trúng giá ở mức 130.000-150.000 đồng, một kịch bản xấu sẽ xảy ra. Lúc đó, để có tiền, họ sẽ phải bán chứng khoán để mua cổ phần VCB và sẽ làm thị trường tiếp tục xuống trong thời gian tới.
"Chẳng hạn một nhà đầu tư cá nhân trúng 5.000 cổ phần với giá 150.000 đồng một cổ phiếu, thì mỗi người đã bỏ ra khoảng 750 triệu, một khoản tiền tương đối lớn rồi", ông Phong lấy ví dụ.
Còn nếu phần lớn nhà đầu tư cá nhân trúng giá ở mức trên 200.000 đồng, khi đó, theo ông Phong, họ chỉ bán quyền lòng vòng cho nhau thôi chứ không rút tiền từ thị trường xuống. Trong trường hợp không bán quyền được, họ cũng sẽ bỏ cọc.
Theo phương án IPO của Vietcombank, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua tối đa 30% trong 6,5% cổ phần đấu giá công khai. Cầu lớn trong khi cung bị giới hạn, nên ông Phong cho rằng, có thể các quỹ nước ngoài sẽ bỏ giá trên 200.000 đồng vì họ phải cạnh tranh với nhà đầu tư và các quỹ trong nước, và còn phải cạnh tranh với chính họ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc phòng Phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán Tân Việt, dự đoán, trong đợt IPO này, các nhà đầu tư có tổ chức sẽ tham dự với một đội ngũ hùng hậu hơn hẳn nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, theo ông, giá sẽ không lên tới trên 200.000 đồng bởi thông thường, nhà đầu tư có tổ chức bao giờ cũng tính toán rất cẩn trọng rồi mới đưa ra mức giá đấu, và chắc chắn không có chuyện đặt giá "trên trời".
Ngoài ra, theo ông Quyến, đa số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường vẫn chủ yếu là đầu cơ, hoặc lướt sóng trong ngắn hạn. Những nhà đầu tư này thường chỉ nhắm tới các cổ phiếu sắp lên sàn, trong khi đó, mặc dù Vietcombank tuyên bố là sẽ niêm yết sớm trên thị trường trong nước và nước ngoài, song thời điểm chắc chắn sẽ còn xa bởi vì sau IPO, Vietcombank còn phải đàm phán với nhà đầu tư chiến lược.
Ông Ngô Văn Minh, Phó phòng môi giới Công ty chứng khoán VPBS, cũng đồng tình rằng, nếu ít vốn, hoặc chỉ đầu cơ ngắn hạn theo kiểu lướt sóng, thì Vietcombank không hấp dẫn. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực về tài chính thì họ có thể sẽ có sự phân bổ hợp lý, như 30% để đầu tư ngắn hạn, 30-40% dài hạn, còn lại sẽ dành cho đầu tư dài hạn. Trong trường hợp này, ông Minh cho rằng, Vietcombank có thể là một danh mục đầu tư tốt vì xét về lâu dài, đây được coi là ngân hàng có tiềm năng.
Tại buổi roadshow (giới thiệu công ty) sáng 11/12, đại diện của Vietcombank cũng thừa nhận, hiện nay cung tiền cũng có hạn, nên IPO lần này có thể không được thuận lợi như mong đợi. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, cho rằng, hiện nay, người chơi chứng khoán đang kẹt tiền, muốn bán bớt cổ phiếu trong danh mục đầu tư đã có để mua Vietcombank với giá cao cũng rất khó.
Theo VnExpress
|